PHAN THIẾT – VÙNG ĐẤT CỦA LỄ HỘI

PHAN THIẾT – VÙNG ĐẤT CỦA LỄ HỘI

Là một trong những vùng đất có sự góp mặt của nhiều sắc tộc anh em Việt Nam, Phan Thiết đa dạng về văn hóa tín ngưỡng vì thế khi du lịch Phan Thiết vào bất cứ dịp nào trong năm, du khách hầu như cũng có thể dễ dàng được chứng kiến các lễ hội địa phương diễn ra hết sức sôi nổi, thu hút đông đảo đồng bào tham gia.

Lễ hội Dinh Thầy Thím:

Đây là một trong những lễ hội lớn của cư dân Bình Thuận đã được đưa vào từ điển Lễ hội Việt Nam, diễn ra náo nhiệt nhất từ ngày 14 đến 16/9 Âm lịch tại Khu di tích văn hóa Dinh Thầy Thím ở xã Tân Tiến, thị xã La Gi. Lễ hội thu hút hàng nghìn cư dân địa phương và du khách tham quan, hành hương với các hoạt động chính như Lễ rước nghinh thần, lễ rước sắc phong từ mộ Thầy Thím về dinh, lễ nhập điện an vị, thí thực phát lộc, lễ thỉnh sanh, giỗ tiền hiền và cúng gia binh …

Trong những năm gần đây, lễ hội dinh Thầy Thím tuy có nhiều đổi mới nhưng vẫn bảo tồn và phát huy được những nét văn hóa đặc sắc dân tộc nhằm quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch Phan Thiết - Bình Thuận.

Khi đến với dinh Thầy Thím vào dịp này, du khách hành hương có thể cảm nhận được những giá trị tích cực về truyền thống nhân văn, nét thuần phong mỹ tục và giá trị tâm linh của lễ hội.

Song song với các nghi lễ chính, du khách còn có thể tham gia vào các hoạt động vui chơi với các trò chới dân gian mang đậm phong cách xứ biển như thi khiêng thúng ra khơi, thi gánh cá, đan lưới, thi đấu cờ người, thi làm bánh…



Lễ hội Nghinh Ông Xuất Quan Thánh

Là một lễ hội vô cùng độc đáo, chỉ duy nhất ở thành phố Phan Thiết mới diễn ra lễ hội này. Lễ hội Nghinh Ông Quan Thánh tức là đưa Ông đi du hành. Ông ở đây chính Quan Công trong tục thờ cúng của cộng đồng người Hoa.

Lễ hội Nghinh Ông Quan Thánh được diễn ra hai năm một lần, vào năm chẵn dương lịch, để thể hiện mong ước cầu cho “quốc thái dân an”, “mưa thuận gió hòa”. Người dân Phan Thiết tin rằng lễ hội Nghinh Ông sẽ bày tỏ được lòng thành kính, biết ơn đối với Quan Công, từ đó Ông sẽ phù hộ cho người dân cuộc sống thanh bình, ấm no, hạnh phúc.





Lễ hội Ka-tê

Lễ hội Ka-tê, hay còn gọi là Mbang Kate, diễn ra trong ba ngày đầu tháng 10. Sự kiện này tổ chức tại ba Tháp Chăm lớn là Po Nagar, Po Klong Garai, và Po Rome. Lễ hội còn được tổ chức ở các cộng đồng người Chăm ở khu vực phía Nam và tại Cụm Tháp Chàm Po Sah Inu (“Poshanu”) gần thành phố Phan Thiết, Tỉnh Bình Thuận. Mục đích chính của lễ hội là để người Chăm tưởng nhớ các vị anh hùng dân tộc, Vua Po Klong Garai và Po Rome, cũng như tổ tiên của họ. Đây là dịp để cho du khách có cơ hội được trải nghiệm nét đẹp văn hóa của người Chăm từ kiến trúc đến trang phục, nhạc cụ và các bài hát truyền thống ca ngợi các vị thần và anh hùng trong truyền thuyết của người Chăm.




Lễ hội Cầu Ngư

Cầu ngư là một loại hình lễ hội dân gian gắn liền với tín ngưỡng và đời sống cư dân ven biển miền Trung. Cũng như ngư dân các vùng biển khác, ngư dân Bình Thuận có niềm tin mãnh liệt vào sự linh thiêng của cá Ông và coi đây là vị Thần phò trợ, giúp họ vượt qua những hiểm nguy trên biển. Lễ hội Cầu Ngư diễn ra hàng năm ở hầu hết các dinh vạn thờ cá Ông (cá Voi) của tỉnh.

Theo truyền thuyết, cá Ông vốn hóa thân từ những mảnh áo cà sa của Phật Bà Quan Âm quăng xuống biển để cứu vớt sinh linh bị chìm đắm. Truyền thuyết về cá Ông còn được gắn với những ngày đầu lập quốc của vua Gia Long - Nguyễn Ánh: Khi bị quân Tây Sơn truy đuổi, thủy quân của Nguyễn Ánh tháo chạy ra biển và gặp phải sóng to gió lớn, trong lúc nguy khốn bỗng có một con cá Ông to lớn ghé đưa thuyền vào bờ. Sau này khi thắng quân Tây Sơn và lên ngôi vua, nhớ ơn cứu mạng, Nguyễn Ánh đã phong tặng cá Ông là Nam Hải Đại tướng quân và cho dân lập miếu thờ cúng, tín ngưỡng cá Ông. Vì thế, dưới triều Nguyễn người phát hiện ra cá voi mắc cạn sẽ được miễn sưu dịch 3 năm.

Người dân vạn chài tin rằng Cá Ông lụy và trôi dạt vào làng nào, làng đó muôn đời ấm no, tai qua nạn khỏi. Vì lòng tín ngưỡng ấy, mỗi khi có cá voi bị nạn dạt vào bờ, dân chài thường làm lễ cúng tế long trọng, chôn cất và để tang Ông.

Lễ hội cầu yên

Là lễ hội truyền thống của người Chăm Bà Ni, tổ chức vào đầu tháng Giêng theo lịch Chăm, tức là vào tháng 4 dương lịch. Người Chăm gọi là Raja Prông.

Buổi lễ bắt đầu lúc chạng vạng tối. Đó là lúc dân làng làm lễ nguyện cầu những điều tốt lành sẽ đến trong năm mới. Sau phần nghi lễ, sẽ đến phần tổ chức các cuộc vui chơi văn nghệ vô cùng hứng khởi.

Lễ hội Trung Thu

Lễ hội Trung thu ở Phan Thiết nổi bật với hoạt động rước đèn, được xem là một trong năm lễ hội truyền thống của Bình Thuận để phục vụ phát triển du lịch. Lễ hội đã được Sách kỉ lục Việt Nam – Vietbooks công nhận là “Lễ hội rước đèn Trung thu lớn nhất Việt Nam”. Đây cũng là một trong những lễ hội được du khách Bình Thuận quan tam nhất bên cạnh lễ hội Nghinh Ông.

Hằng năm, Lễ hội Trung Thu được tổ chức vào đêm 14/8 và 15/8 Âm lịch ở thành phố Phan Thiết. Khi đến tham quan, chúng ta sẽ được đắm chìm trong không khí lễ hội hoành tráng với muôn sắc màu lung linh. Hơn thế nữa là tìm lại những kí ức, tìm lại tuổi thơ đã qua đi.



Lễ hội Đua Thuyền

Trong mỗi dịp tết đến xuân về của người dân Phan Thiết một trong những lễ hội không thể thiếu chính là lễ hội đua thuyền truyền thống. Diễn ra vào ngày mùng 2 tết, trên sông Cà Ty, cuộc đua thuyền có sự tham gia của các đội đến từ các phường xã ở thành phố Phan Thiết. Những con thuyền dài với đủ màu sắc lướt thật nhanh trên sông trong tiếng reo hò cổ vũ của mọi người xung quanh tạo nên không khí tưng bừng, nhộn nhịp. Không chỉ có đua thuyền, trên sông Cà Ty cũng diễn ra hội đua thuyền thúng rất thú vị. Đến Phan Thiết bạn nhớ đừng bỏ qua lễ hội thú vị này.
 




Lễ hội thả diều
Lễ hội quy tụ hàng trăm cánh diều đầy màu sắc, có nhiều hình dạng độc đáo, sáng tạo và kích thước đa dạng. Có thể kể đến như diều truyền thống, diều khí động học, diều quay… Trong đó, chủ yếu là những cánh diều động vật biển như bạch tuột, cá, mực, cua,…Một số cánh diều đại bàng, diều phượng hoàng, diều siêu nhân, diều quốc kỳ Việt Nam, diều lục giác truyền thống Nhật Bản,... cũng xuất hiện tại lễ hội. Có những con diều to lớn hơn chục mét và cũng có những cánh diều bé nhỏ chỉ bằng bàn tay người lớn.
 

Trên bãi biển lộng gió ngày hè, người dân địa phương và du khách trong nước lẫn quốc tế nô nức tụ họp đông đúc để thả diều và ngắm những cánh diều. Trong chuyến du lịch Phan Thiết, du khách sẽ được tìm hiểu về nghệ thuật diều từ các nghệ nhân, chiêm ngưỡng những cánh diều căng gió và thả cánh diều của riêng mình lên bầu trời xanh bao la, mênh mông.

Các phòng khác

Ý kiến khách hàng

Xem thêm

Đặt phòng

Liên hệ trực tiếp với chúng tôi để có giá tốt nhất

Hotline: 0949745657 - 0917025839 - Ms Ngọc

Email: info@ravenalaresort.com - sales@ravenalaresort.com

Ravenalaresort.com